Bài 49: Đây là Chiên Thiên Chúa | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 49: Đây là Chiên Thiên Chúa | Dưới ánh sáng Lời Chúa


CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B

BÀI 49: ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

WGPSG (10.01.2024) – Khi cử hành thánh lễ, có đến 5 lần chúng ta nhắc đến tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” : một lần ở trong kinh “Vinh Danh”, 3 lần ở trong kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (trước khi hiệp lễ), và một lần khi chủ tế nâng Mình Thánh Chúa trước cộng đoàn và công bố : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Thường Niên, năm B này, chúng ta cũng sẽ được nghe tác giả Tin Mừng Gio-an kể câu chuyện liên quan đến việc thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” cho các môn đệ của ông. Theo đó, chúng ta thấy “Chiên Thiên Chúa” là một tước hiệu được áp dụng một cách đặc biệt cho Đức Giêsu. Nhưng chúng ta phải hiểu như thế nào về tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” này?

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Những lời ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” trong Ga 1,29 thì “Chiên Thiên Chúa” đó là nhằm ám chỉ đến “chiên lễ Vượt Qua” mà chúng ta biết được từ trong sách Xuất Hành (x. Xh 12,3-14.21-27.43-46). Mối liên hệ giữa “Chiên Thiên Chúa” trong Tin Mừng Gio-an và “chiên lễ Vượt Qua” trong sách Xuất Hành được tác giả Gio-an trình bày qua ba điểm sau đây :

1. Phiên toà mà tổng trấn Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su đã diễn ra vào giờ thứ sáu (tức là 12 giờ trưa) của ngày áp lễ Vượt Qua (Ga 19,14), và đó cũng chính là lúc mà các tư tế bắt đầu sát tế “chiên lễ Vượt Qua” trong Đền Thờ.

2. Máu chiên Vượt Qua giải thoát con cái Ít-ra-en : người Do-thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào máu chiên trong chậu mà bôi lên khung cửa trong đêm lễ Vượt Qua (x. Xh 12,22-23), còn Máu của Đức Giê-su giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.

3. Sách Xuất Hành cho chúng ta biết người ta không được làm gãy một chiếc xương nào của “chiên lễ Vượt Qua” (Xh 12,46b), và tác giả Tin Mừng Gio-an cho thấy điều đó cũng được ứng nghiệm nơi chính thân thể của Đức Giê-su khi Người chịu khổ hình thập giá (Ga 19,33.36).

I. Từ ngữ : “Con Chiên”

1. Trong Ga 1,29.39, thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su cho các môn đệ của ông như sau: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Trong câu này thánh Gio-an Tẩy Giả dùng danh từ Hy-lạp am-nos” (ἀμνὸς) có nghĩa là “con chiên” để chỉ về Đức Giê-su.

Danh từ Hy-lạp am-nos” (ἀμνὸς) này cũng được nói đến ở trong sách Công Vụ Tông Đồ, cũng như trong thứ thứ nhất Phê-rô : “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (Cv 8,32 ; 1 Pr 1,19).

Và thuật từ “con chiên” này cũng được dùng ở số nhiều để chỉ đến các Ki-tô hữu như chúng ta có thể tìm thấy trong Ga 21,15 khi Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô : “Hãy chăm sóc các chiên con của Thầy” (Ga 21,15).

2. Trong tiếng Hy-lạp còn có một danh từ khác cũng có nghĩa là “con chiên”, đó là danh từ “ar-ni-on” (ἀρνίον) và danh từ này được tác giả sách Khải Huyền dùng đến 28 lần để ám chỉ Đức Ki-tô :

Con Chiên đã bị giết
nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền,
khôn ngoan cùng sức mạnh,
danh dự với vinh quang,
và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12)

 

II. Ý nghĩa :

Từ ngữ “con chiên” trình bày 3 ý nghĩa là :

+ Con Chiên Vượt Qua

+ Con chiên chịu đau khổ

+ Con chiên chiến thắng

1. Con Chiên Vượt Qua

Máu con chiên bôi trên khung cửa đã cứu thoát con cái Ít-ra-en khỏi tử thần trong đêm Vượt Qua ở Ai-cập. Hiến tế và bữa ăn Vượt Qua hằng năm là một trong các đại lễ của người Do-thái. Tin Mừng thứ tư đã so sánh Đức Giê-su với Chiên Vượt Qua.

Tác giả Tin Mừng Gio-an đã liên kết hình ảnh Đức Giêsu với “chiên Vượt Qua” qua trình thuật phiên toà tổng trấn Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su, trong đó thời gian diễn ra phiên toà này là “ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa” (Ga 19,14), mà “mười hai giờ trưa của ngày áp lễ Vượt Qua” chính là thời điểm tại Đền Thờ, người Do-thái bắt đầu sát tế các con chiên để ăn lễ Vượt Qua.

Trong phiên toà đó, quan Phi-la-tô đã trao Đức Giê-su cho người Do-thái đem đi đóng đinh vào thập giá như người ta đem con chiên đi sát tế vậy (x. Ga 19,16). Qua đó, Đức Giê-su trở thành “chiên lễ Vượt Qua mới” như điều thánh Phao-lô đã viết cho tín hữu Cô-rin-tô : “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7).

Ngoài ra, tước hiệu “Đấng xoá bỏ tội trần gian” trong lời ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu, thì tác giả Tin Mừng Gio-an dùng động từ Hy-lạp “ai-rô” (αἴρω) và động từ này hàm chứa hai ý nghĩa : [1] mang vác, gánh vào mình ; [2] đem đi, cất đi, làm biến mất, xoá bỏ. Ở đây, tác giả Gio-an hay dùng nghĩa thứ hai là “xoá bỏ” (Ga 1,29 ss 2,16 ; 5,8-12 ; 10,18). Như vậy, cũng giống như trong biến cố Vượt Qua trong sách Xuất Hành, người Do-thái nhờ máu con chiên bị sát tế bôi trên khung cửa mà thoát khỏi cái chết tại Ai-cập, thì trong Tin Mừng Gio-an, con người đang chìm đắm trong bóng tối và trong sự thù nghịch với Thiên Chúa cũng sẽ nhờ cái chết của Đức Giê-su mà thoát khỏi tội lỗi và sự chết như vậy.

Theo đó, cụm từ “Đấng xoá bỏ tội trần gian” giải thích sứ mạng là “Chiên Thiên Chúa” của Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su xoá bỏ tội trần gian bằng cách nào ? Thưa: bằng của lễ đền bù tội lỗi nhờ cái chết của Người, như lời thư 1 Ga 3,5 viết : “Anh em biết, Đức Giê-su đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi và nơi Người không có tội lỗi”, và vì:

“Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Công Chính ; Người là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi của chúng ta mà thôi, nhưng còn là tội lỗi của cả thế gian nữa ! (1 Ga 2,1-2).

Cũng nên biết rằng hạn từ “tội” trong Ga 1,29 được dùng ở số ít nhằm nhấn mạnh đến việc từ chối từ Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa phái đến, để mặc khải “sự thật” (Ga 8,32).

2. Con chiên chịu đau khổ

Theo một số nhà chú giải, cụm từ “Chiên Thiên Chúa” (ὁ ἀμνὸς τοῦ θεου [am-nos tou the-ou]) có thể mang hai nghĩa: [1] “Con chiên của Thiên Chúa”, và [2] “Tôi tớ của Thiên Chúa”. Và ở đây hẳn là tác giả Tin Mừng Gio-an đã sử dụng từ “am-nos” (con chiên) với cả hai nghĩa ấy. Trong bài ca thứ IV về “Người Tôi Trung” (Is 52,13-53,12), ngôn sứ I-sai-a đã trình bày hình ảnh “người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa” rất giống với hình ảnh con chiên bị sát tế :

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng (53,7).

Những lời này của ngôn sứ I-sai-a cũng được ông Phi-líp-phê trích dẫn để rao giảng cho viên thái giám người Ê-thi-óp rằng Đức Giê-su là con chiên bị sát tế (Cv 8,32).

Tác giả 1 Pr 1,19 cũng khẳng định : “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô”.

3. Con chiên chiến thắng

Văn chương khải huyền Do-thái hậu thời thì cho biết “Con Chiên” sẽ xuất hiện để chiến đấu bảo vệ “các tôi tớ Thiên Chúa” và sẽ tiêu diệt sự dữ trong thế gian như tác giả sách Khải Huyền loan báo : “Con chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ (các tôi tớ Thiên Chúa) tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17) ; hoặc:

Chúng (tức là các Con Thú) sẽ giao chiến với Con Chiên và Con Chiên sẽ thắng chúng, vì Con Chiên là Chúa các chúa, Vua các vua ; những kẻ đi theo Người, tức là những kẻ được kêu gọi, được tuyển chọn, và luôn trung thành, cũng sẽ thắng (17,14).

Tác giả sách Khải huyền cũng cho biết:

+ Con Chiên là lễ vật hiến tế / bị giết (5,6.12 ; 13,8).

+ Máu chiên đổ ra đem lại ơn cứu độ (x. 7,14 ; 12,11).

+ “Con Chiên” chính là Đức Ki-tô, Người đã lên ngai và hiển trị (x. 5,8.12-13 ; 7,9 ; 15,3 ; 22,13).

+ “Con Chiên” sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các con thú (x. 17,14), và sẽ xét xử muôn dân để ban thưởng cho những ai đã được ghi tên trong “Sổ Trường Sinh của Con Chiên” (13,8 ; 21,27).

Vậy, khi hiểu “Chiên Thiên Chúa” là “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa” theo các ý nghĩa ở trên, tác giả sách Tin Mừng Gio-an đã nhấn mạnh vai trò Mê-si-a của Đức Giê-su cả trong cuộc đời cũng như trong sứ vụ của Người. Thật vậy, ngay từ khi chịu phép rửa trong sông Gio-đan, Đức Giê-su đã ý thức vai trò của Người là “Tôi Tớ đau khổ của Đức Chúa”. Vì vậy, ngay từ đầu sách Tin Mừng Gio-an, thánh Gio-an Tẩy Giả đã chỉ cho thấy vai trò của Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (x. Ga 1,51), và Người đã “xoá bỏ tội lỗi trần gian” bằng chính bửu huyết của Người.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa,
như chiên bị đem đi làm thịt,
trong cuộc Thương Khó ;
Chúa đã vác lên vai muôn vàn tội lỗi của loài người
để đưa lên thập giá với Chúa.

 

Chúa đã trở thành Chiên lễ Vượt Qua của chúng con.
Chúng con xin dâng lời cảm tạ Chúa
và xin cho chúng con mai ngày
được tham dự tiệc cưới Con Chiên trong Nước Chúa.

 

A-men.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top